Lí giải hành vi Liên Xô
Lí giải hành vi Liên Xô

Lí giải hành vi Liên Xô

"Lí giải hành vi Liên Xô" (tiếng Anh: The Sources of Soviet Conduct), cũng được gọi là "Bài viết X" là một bài nghị luận của George F. Kennan được đăng trên số tháng 7 năm 1947 của tạp chí Foreign Affairs dưới bút danh "X". Bài nghiên cứu chủ trương chính sách "ngăn chặn" để đối phó với Liên Xô. Kennan đã có chủ trương ngăn chặn từ tháng 2 năm 1946 trong một bức điện mật được Bộ Ngoại giao đánh số "511" nhưng thường được gọi là "bức điện dài".Bức điện là nhận định của Kennan về bài phát biểu tháng 2 năm 1946 của Iosif Stalin.[note 1] Tuy ăn khớp với những phát biểu trước của Stalin nhưng báo chí và dư luận Mỹ hoang mang; tạp chí Time nhận xét bài phát biểu là "tuyên bố hiếu chiến nhất của bất cứ chính khách cấp cao nào kể từ ngày Nhật Bản đầu hàng".[4] Kennan giải thích động cơ của Liên Xô qua lịch sử Nga và chủ nghĩa Marx–Lenin, lập luận rằng giới lãnh đạo Liên Xô lợi dụng chủ nghĩa Marx–Lenin để xuyên tạc thế giới là thù địch nhằm duy trì quyền lực mặc dù không được nhân dân ủng hộ. Giới chức Mỹ chấp nhận lập luận của Kennan và ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Liên Xô trong Bộ Ngoại giao.Sau khi phát biểu về quan hệ đối ngoại của Liên Xô ở Hiệp hội Quan hệ đối ngoại vào tháng 1 năm 1947, Kennan được bảo nên đăng bài trên tạp chí Foreign Affairs. Kennan sửa lại một bài mà ông đã gửi cho Bộ trưởng Hải quân James Forrestal rồi nộp cho tạp chí vào cuối tháng 1 nhưng phải dùng bút danh "X" do có chức vụ trong chính quyền. Bài viết giữ nguyên chủ trương chống cộng của bức điện dài và đề xướng chính sách ngăn chặn đối với Liên Xô. Tuy được xuất bản trước khi Tổng thống Harry Truman đưa ra Thuyết Truman nhưng bài viết nhanh chóng được công nhận là biểu hiện của chính sách đó. Bài viết được phổ biến rộng rãi nhưng có tranh luận về ảnh hưởng của Kennan: Henry Kissinger gọi chủ trương của bài viết là "thuyết ngoại giao thời đại"[5] nhưng một vài nhà sử học cho rằng ảnh hưởng của bài viết đã bị thổi phòng.